Ngoài việc lên ý tưởng thiết kế thì màu sắc cũng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng góp phần làm cho bản thiết kế trở nên nổi bật, sinh động và cuốn hút hơn. Việc kết hợp các yếu tố màu sắc trong 1 thiết kế ảnh hưởng bởi các yếu tố như: dân tộc, văn hóa, địa lý, sở thích và đối tượng. Với vai trò là người thiết kế, bạn cần hiểu được các nguyên tắc phối màu cơ bản, từ đó có thể lựa chọn màu sắc một cách đúng đắn nhất. Việc vận dụng màu sắc một cách phù hợp sẽ cho ra đời những thiết kế hoàn hảo, được đông đảo người dùng đón nhận.
Màu sắc được lựa chọn đúng đắn sẽ lôi kéo người xem vào trọng tâm của thiết kế. Đây là điều mà chúng ta dễ thấy qua các bức tranh, ảnh nổi tiếng trên thế giới với các sắc màu từ bút chì màu và cả các phần mềm vẽ trên máy tính. Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng có được những lựa chọn màu sắc đúng đắn và kết hợp chúng một cách phù hợp. Vì vậy trong bài viết này, hoasi-elumen xin giới thiệu đến các bạn những nguyên tắc phối màu cơ bản trong thiết kế đồ họa phổ biến và được ưa chuộng nhất hiện nay.
Nếu sử dụng nguyên tắc phối màu đơn sắc, các nhà thiết kế mà tiêu biểu là công ty Maciek Design thường chỉ sử dụng 1 màu chủ đạo hoặc đôi khi có thể sử dụng nhiều sắc độ khác nhau của 1 màu để chúng cộng hưởng với nhau.
Quá trình này khá đơn giản, dễ làm vì thế các thiết kế sử dụng phối màu đơn sắc luôn tạo cảm giác dễ chịu cho người nhìn. Tuy nhiên chính vì sự đơn giản đó mà đôi khi bạn sẽ cảm thấy các thiết kế này khá đơn điệu. Và một khó khăn mà bạn có thể gặp phải khi sử dụng phối màu đơn sắc chính là việc tạo điểm nhấn cho một số chi tiết trên bản thiết kế của mình.
Kỹ thuật phối màu đơn sắc được sử dụng phổ biến trong các thiết kế website phong cách phẳng và tối giản – phong cách thiết kế đang rất được ưa chuộng hiện nay. Sự đơn giản của chúng giúp người nhìn không bị xao lãng quá nhiều vào các chi tiết khác, tập trung vào những yếu tố quan trọng như nội dung và tương tác. Ngoài ra thì kỹ thuật này cũng được sử dụng trong quá trình làm cho các typeface đơn giản trở nên sắc nút và hấp dẫn hơn.
Màu tương đồng thường là 3 màu liền kề nhau trong bảng màu, chúng tạo nên kiểu phối màu nhã nhặn và rất thu hút.
Analogous – Phối màu tương đồng cho bạn lựa chọn về màu sắc đa dạng hơn so với cách phối màu đơn sắc, nó giúp bạn dễ dàng phân biệt những nội dung khác nhau trên cùng 1 bản thiết kế. Tuy sử dụng kỹ thuật pha trộn nhiều màu sắc nhưng do những màu này đứng cùng nhau trên cùng 1 vòng tròn màu nên kỹ thuật phối màu này không gây nhức mắt cho người xem, ngược lại, còn rất êm dịu, vừa mắt.
Với cách phối màu này, NTK sẽ bắt đầu từ việc chọn cho mình 1 màu sắc chủ đạo. Đây là màu chính trong tác phẩm và các màu sắc khác phải tương tác tốt với màu chủ đạo. Tiếp đó, NTK sẽ chọn màu thứ 2 với công dụng nhằm phân biệt các typeface và các nội dung quan trọng trên website. Màu thứ 3 trong thiết kế thường là các chi tiết không quá quan trọng và chủ yếu dùng để trang trí.
Phối màu bổ túc là cách sử dụng những cặp màu đối xứng trên cùng 1 vòng tròn màu nhằm tạo ra những mảng màu năng động và tràn đầy năng lượng cho thiết kế. Những cặp màu đối xứng nếu được sử dụng sẽ rất dễ tạo điểm nhấn cho các chi tiết quan trọng trên tác phẩm. Nhưng cũng chính vì sự đối lập giữa các màu sắc này mà phối màu bổ túc hoàn toàn không phù hợp với những thiết kế mang phong cách nhẹ nhàng và thư giãn. Đây là nguyên tắc phối màu thường được sử dụng cho các website giới thiệu dịch vụ, website nhà hàng, website bán hàng nhằm làm nổi bật các sản phẩm cho người dùng chú ý hơn.
Giống như phối màu tương đồng, kỹ thuật phối màu bổ túc này cũng sử dụng 1 màu chủ đạo và các màu đối xứng trên vòng tròn là màu phụ. Một lưu ý cho bạn khi sử dụng kỹ thuật phối màu này là bạn không nên sử dụng những kiểu màu có sắc độ nhạt vì chúng sẽ làm mất đi tính tương phản giữa các cặp màu vốn là điểm mạnh của phương pháp này.
Đây là 1 trong những nguyên tắc phối màu an toàn nhất. Phượng pháp này sử dụng 3 màu nằm ở 3 góc khác nhau của vòng tròn màu tạo nên 1 hình tam giác cân.
Do sử dụng 3 màu ở 3 góc khác nhau nên khi kết hợp trong 1 thiết kế, các màu sắc này bổ sung cho nhau tạo nên sự cân bằng trong tổng thể tác phẩm. Tuy nhiên cũng chính vì sự cân bằng này mà đôi khi bạn sẽ cảm thấy cách phối màu này khá đơn điệu, an toàn và thiếu đi tính sáng tạo.
Nếu sử dụng kỹ thuật phối màu này, bạn sẽ rất khó trong việc tạo điểm nhấn cho tác phẩm. Tuy vậy một số NTK lại rất thích phương pháp này bởi nó giúp sản phẩm tiếp cận được nhiều người xem và cũng nhận được khá nhiều phản hồi tốt bởi sự hài hòa, cân bằng giữa các màu sắc trên tác phẩm.
Phối màu bổ túc bộ bốn được xem là nguyên tắc phối màu phức tạp nhất trong danh sách này. Tuy nhiên nếu bạn chịu bỏ thời gian và công sức để tìm hiểu thì việc nắm bắt được kỹ thuật này sẽ đem đến những hiệu quả vô cùng bất ngờ đấy. Kỹ thuật này sẽ mang đến cho tác phẩm của bạn sự mới mẻ, hiện đại và rất phù hợp với các xu hướng thiết kế hiện nay.
Kỹ thuật phối màu này được hình thành từ 2 cặp màu bổ túc trực tiếp cho nhau trên vòng tròn màu. Sự đối nghịch và bổ sung giữa 2 cặp màu này chính là điểm nhấn và khác biệt đặc trưng của kỹ thuật này. Thoạt đầu bạn sẽ thấy các cặp màu trong kỹ thuật phối màu bổ túc bộ bốn rất khó để kết hợp và sử dụng với nhau. Chính vì vậy, bạn sẽ phải mất khá nhiều thời gian cho việc chọn màu và lên màu cho sản phẩm của mình. Một gợi ý cho bạn khi sử dụng kỹ thuật này chính là việc cân bằng thật tốt giữa 2 gam màu nóng (cam, vàng, đỏ) và màu lạnh (tím, xanh).
Phối màu bổ túc xen kẽ là lựa chọn hoàn hảo nếu bạn muốn tác phẩm của mình trở nên cuốn hút và ấn tượng với người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên. Kỹ thuật phối màu này sử dụng 3 màu ở 3 góc khác nhau trên vòng tròn màu tạo nên 1 đường chéo cân. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thêm 1 màu thứ tư với yêu cầu là màu này phải đối xứng với 1 trong 2 màu tạo nên đáy 2 của 2 đường chéo nhau.
Sự linh hoạt trong chọn màu của phương pháp này mở ra cho các NTK rất nhiều cơ hội để khám phá, sáng tạo và có thể tìm được các cặp màu độc lạ cho tác phẩm của mình. Kiểu phối mày này được sử dụng rất phổ biến trên các website hiện nay. Người ta sử dụng màu đen – trắng làm chủ đạo và tạo điểm nhấn bằng 1 màu thứ 3 bắt mắt như: xanh, đỏ với nhiều chi tiết phụ. Cách phối màu này khá đơn giản, an toàn nhưng lại rất hiệu quả đấy nhé!
Chọn màu nào? Phối màu ra sao? Là những câu hỏi mà bạn buộc phải tự mình trả lời khi bắt tay vào xây dựng một bản thiết kế. Những nguyên tắc phối màu cơ bản trong thiết kế đồ họa trên có thể được áp dụng cho bất cứ thiết kế nào mà bạn muốn. Các kỹ thuật phối màu đơn sắc, tương đồng hay bổ túc phù hợp với các thiết kế đơn giản, thiết kế phẳng. Trong khi đó các phương pháp phối màu bổ túc bộ bốn, phối màu bổ túc xen kẽ lại phù hợp hơn với các thiết kế phức tạp, nhiều lớp. Nên nhớ rằng sự lựa chọn vẫn thuộc về bạn – NTK chính của tác phẩm.